1-                  CHÚA GIÊSU BỊ LÊN ÁN TỬ

 

 

“Ngươi có phải là Vua dân Do Thái không?” (Jn 18:33)

 

“Vương quốc của Tôi không thuộc về thế gian này; nếu vương quốc của Tôi thuộc về thế gian này thì các thuộc hạ của Tôi đã chiến đấu để Tôi không lọt vào tay các người Do Thái; thế nhưng vương quốc của Tôi lại không thuộc về thế gian này” (Jn 18:36).

 

Philatô nói cùng Người: “Thế thì ngươi là vua chứ gì?”

 

Chúa Giêsu trả lời: “Quan đã nói rằng Tôi là vua. Vì lý do này mà Tôi đã được sinh ra, và cũng vì thế mà Tôi đã đến thế gian để làm chứng cho chân lý. Ai sống bởi chân lý thì sẽ nghe thấy tiếng Tôi”.

 

Philatô đáp lại: “Chân lý là gì?”

 

Tới đây, nhà cầm quyền Rôma thấy không cần hỏi Người thêm điều gì nữa. Ông ra với dân Do Thái mà nói với họ rằng: “Ta chẳng thấy người này có tội ác nào hết” (xem Jn 18:37-38).

 

Thảm trạng của Philatô nằm ở ngay trong vấn nạn: Chân lý là gì?

 

Đây không phải là vấn nạn triết lý về bản chất của chân lý mà là vấn nạn hiện hữu về mối liên hệ giữa ông ta và chân lý. Đó là một nỗ lực tẩu thoát cho khỏi tiếng nói của lương tâm đang thôi thúc ông nhìn nhận chân lý và theo chân lý. Khi người ta không chịu để chân lý hướng dẫn thì cuối cùng họ cũng đành lên án tử cho cả người vô tội.

 

Thành phần tố cáo nhận thấy yếu điểm này nơi Philatô nên đã lấn tới. Họ đòi phải đóng đanh cho chết mới thôi. Những cố gắng nửa vời của Philatô cũng không giải quyết được gì cả. Hình phạt dữ tợn của cuộc hành hạ giáng xuống trên Kẻ Bị Cáo vẫn chưa đủ. Khi nhà cầm quyền mang Chúa Giêsu bị hành hạ và đội mạo gai ra trước đám dân chúng, ông dường như muốn tìm những lời lẽ nào đó theo ông nghĩ có thể xoa dịu bớt tình trạng khăng khăng của đám loạn dân.

 

Chỉ vào Chúa Giêsu ông nói: “Ecce homo!”. Này là người!

 

Thế nhưng, câu đáp lại là: “Đóng đanh hắn vào thập giá, đóng đanh hắn vào thập giá!”.

 

Bấy giờ Philatô cố gắng vớt vát: “Các ngươi hãy cứ mang hắn đi mà đóng đanh vào thập giá, vì ta chẳng thấy hắn có tội ác nào cả” (Jn 19:5-7).

 

Ông càng tin rằng Kẻ Bị Cáo vô tội, nhưng điều này vẫn không đủ để ông ngả về phía người bị cáo. Thành phần tố cáo đã vận dụng đến lập luận cuối cùng của mình: “Nếu ông thả người này ra thì ông không phải là người của Cêsa; ai tự cho mình là vua tức là tự mình chống lại Cêsa” (Jn 19:12).

 

Rõ ràng đây chỉ là lời đe dọa. Nhận thấy nguy hiểm, cuối cùng Philatô đành chịu thua và tuyên án. Tuy nhiên, ông đã không quên thực hiện cử chỉ rửa tay tỏ vẻ khinh bỉ: “Ta vô tội về máu của người này; các người hãy chịu trách nhiệm lấy!” (Mt 27:24). Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng Cứu Chuộc thế gian, đã bị lên án tử thập giá là như thế.

 

Trải qua các thế kỷ, việc chối bỏ chân lý vẫn gây ra khổ đau và chết chóc. Chính người vô tội phải trả giá cho thái độ giả hình của con người ta. Tình trạng nửa vời chẳng bao giờ trọn vẹn. Việc rửa tay cũng không xong nữa. Trách nhiệm về việc đổ máu người lành vẫn còn đó.

Đó là lý do tại sao Chúa Kitô đã tha thiết cầu nguyện cho các môn đệ của mình sống trong mọi thời đại là Lạy Cha, “xin hãy thánh hóa họ trong chân lý; lời của Cha là chân lý” (Jn 17:17).

 

*******

 

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chấp nhận một phán quyết bất công. Xin hãy ban cho chúng con cũng như cho tất cả mọi con người nam nữ trong thời đại chúng con đây ơn trung thành với chân lý. Xin đừng để cho gánh nặng trách nhiệm về những khổ đau của kẻ vô tội đè xuống trên chúng con và trên những người đến sau chúng con.

 

Ôi Chúa Giêsu, Vị Thẩm Phán chân chính, nguyện Chúa được vinh dự và vinh quang muôn đời. Amen.